“Cuộc chiến” chống tiêu cực của bóng đá Việt Nam (Bài 2): Phải là người tốt trước khi thành cầu thủ giỏi
VHO- “Anh Văn Quyến bảo tôi đừng vấp ngã như anh năm xưa”, đó là tâm sự của Phan Văn Đức, cầu thủ được xem là ngôi sao sáng, đồng hành cùng thành công của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 trong thời gian qua.
Lời khuyên của Quyến dành cho Đức là sự hối tiếc muộn màng cho những sai lầm mà Quyến và một số đồng đội đã mắc phải để rồi phải vướng vào vòng lao lý nhưng cũng rất thấm thía đối với những cầu thủ có triển vọng.
Là HLV, ai cũng muốn đào tạo cầu thủ thật tốt
Cùng trưởng thành từ lò đào tạo nức tiếng của bóng đá Việt Nam - Sông Lam Nghệ An, cả Quyến và Đức đều có tài năng bóng đá trời phú, đều thành danh khi còn khá trẻ, đều được công chúng yêu mến. Chỉ có điều đáng tiếc, Quyến sớm “nhúng chàm” và mất đi sự nghiệp cầu thủ mà nhiều người mơ ước, để lại nỗi tiếc nuối lớn với người hâm mộ. Giờ thì Quyến đã ngộ ra nhiều điều và có lời khuyên chân thành cho thế hệ đàn em. “Anh Quyến có khuyên tôi những gì bọn anh đã đi trước rồi, em nên nhìn lại, có những cái gì không phải thì đừng làm theo, đừng vấp lại nữa. Về bóng đá, anh Quyến bảo em cứ mạnh dạn lên, có gì cứ thể hiện hết ra”, Phan Văn Đức chia sẻ.
Bóng đá Việt Nam đang gây dựng niềm tin từ lứa cầu thủ được đào tạo bài bản Ảnh: TRẦN HUẤN
Cách đây vài năm, khi đã nổi tiếng ở cấp độ các đội trẻ, được các nhà báo đặt câu hỏi là liệu Phượng có lo ngại sẽ vấp phải vết xe đổ của những đàn anh đồng hương như Văn Quyến, Quốc Vượng? Phượng đã trả lời rằng anh và các đồng đội đã được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể vững vàng trước mọi cám dỗ. Sự tự tin của Công Phượng xuất phát từ việc anh được trưởng thành từ Học viện HAGL Arsenal - nơi mà các cầu thủ, ngoài kỹ năng đá bóng, đã được bầu Đức dạy dỗ nên người từ những ứng xử nhỏ nhất cùng triết lý, trước hết phải là công dân tốt, có ích, trước khi trở thành cầu thủ giỏi. Ở lò đào tạo của bầu Đức, thế hệ Công Phượng, Xuân Trường cũng có thể tự tin nói tiếng Anh, tiếng Pháp khi thi đấu quốc tế và họ đều là những cầu thủ mở đầu cho trào lưu sang nước ngoài thi đấu hiện nay.
Môi trường tốt góp phần tạo ra cầu thủ tốt. HLV trưởng CLB bóng đá Phù Đổng Lê Đức Tuấn cũng là một trường hợp như vậy. Là con trai của cựu danh thủ Lê Khắc Chính (Tổng cục Đường sắt), ngay từ nhỏ Tuấn đã được cha và cũng là người thầy của mình dạy dỗ, hướng tới những điều trong sáng, tốt đẹp. “Vì thế trong suốt cả sự nghiệp cầu thủ, tôi chưa từng vướng vào cám dỗ và cũng không bị ai rủ rê bán độ”. Giờ là HLV trưởng của CLB Phù Đồng, ông Tuấn tâm niệm phải đưa việc giáo dục về đạo đức, tư tưởng cho các cầu thủ lên hàng đầu: “Trong quá trình tuyển chọn, chúng tôi cũng ưu tiên lựa chọn những cầu thủ có đạo đức, có tâm với nghề. Là HLV, tôi nghĩ ai cũng mong muốn đào tạo được những cầu thủ tốt về chuyên môn và đạo đức”. Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình huấn luyện, chúng tôi luôn trao đổi với các cầu thủ để họ xác định được tư tưởng thi đấu và cống hiến cho bóng đá sạch và đẹp. “Nếu cầu thủ vi phạm và nhất là dính đến các hành vi tiêu cực, chúng tôi sẽ phạt nặng về kinh tế, cắt hợp đồng vĩnh viễn và kiến nghị với VFF để treo giò cầu thủ này suốt đời. Chủ tịch CLB Nguyễn Xuân Vũ luôn hướng chúng tôi tới mục tiêu xây dựng lối đá đẹp, trung thực, cao thượng như vẻ đẹp vốn có của bóng đá”, HLV Lê Đức Tuấn nói.
Tất cả phải cùng “xắn” tay vào
Nhận định về 3 tình huống làm dấy lên nỗi hoài nghi trong thời gian vừa qua, từ pha bóng của Tấn Trường, trận thua bất ngờ của CLB Hà Nội, đến pha đá phản lưới nhà của đội trưởng Cần Thơ, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho rằng, các vụ việc này cần phải được tìm hiểu kỹ, xem xét toàn diện trước khi đưa ra kết luận có tiêu cực hay không. “Vì chúng ta quá bị ám ảnh về tiêu cực, nên hễ có hành vi nào bất thường là lại nghĩ đến tiêu cực trong khi chưa nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Nếu cầu thủ có tiêu cực thật thì phải xử thật nặng để làm gương. Còn nếu không, họ cần được minh oan để bản thân họ đỡ bị mang tiếng và điều quan trọng hơn là không làm mất đi hình ảnh của một nền bóng đá, nhất là trong bối cảnh bóng đá đang tạo hiệu ứng tốt như hiện nay. Với mỗi CLB, tôi nghĩ cần phải nâng cao công tác giáo dục về đạo đức tư tưởng để hạn chế tối đa những chuyện tiêu cực rồi các hành vi phi thể thao trên sân cỏ. Với những hành vi bạo lực, gây tổn hại đến đối phương thì cần phải xử nặng, không thể dung túng được”, cựu danh thủ Thể Công chia sẻ.
Nhận định rằng, các vụ việc vừa qua tuy chưa thể kết luận là tiêu cực, nhưng lại làm khán giả hoài nghi, làm xấu đi hình ảnh bóng đá Việt Nam trong lúc tất cả đang nỗ lực xây dựng hình ảnh bóng đá sạch và đẹp, Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam Nguyễn Húp chia sẻ rằng CLB Quảng Nam thường xuyên nhắc nhở các cầu thủ về tác phong thi đấu, phải tôn trọng khán giả: “Đây là nghề phục vụ công chúng nên nếu cầu thủ nào không tôn trọng công chúng thì nên nghỉ đi. Bóng đá chuyên nghiệp thì phải làm sao bán được vé, kéo được khán giả đến sân mà muốn được như vậy thì trước mắt phải đá sạch, đá đẹp. Khi đã đá sạch, đẹp rồi thì dù kết quả như thế nào, khán giả cũng vẫn yêu thương như đội tuyển U23 vừa qua, hay như trường hợp của Quảng Nam, chúng tôi luôn đá thật nên kết quả dù có “lẹt đẹt”, khán giả vẫn thương”.
Cũng theo ông Nguyễn Húp, muốn xây dựng đạo đức cầu thủ để hình ảnh bóng đá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, đẹp hơn, phải cần tới sự chung tay, góp sức từ các CLB tới VFF, VPF… “Tất cả phải xắn tay vào thì bóng đá Việt Nam mới tốt lên được, mới sạch và đẹp như mong muốn của khán giả”, ông Húp kết luận.
Mỗi CLB sẽ có một cách giáo dục khác nhau. Ở đội trẻ Hà Nội của chúng tôi, các cầu thủ luôn được giáo dục, nhắc nhở mình đã là cầu thủ thì phải cố gắng hết mình trong tập luyện, thi đấu sẽ được CLB trả lương. Vì tương lai của chính mình, các cầu thủ hãy ăn bóng đá, ngủ bóng đá và phải thi đấu trung thực để không dính đến tiêu cực. Vì như thế là phạm pháp, phải đối mặt với tù tội trong khi mình đã tập luyện như thế rồi thì không thể dễ dàng để mất đi sự nghiệp. (Cựu danh thủ - HLV đội trẻ Hà Nội THẠCH BẢO KHANH) |
THU SÂM